Mục đề
Cá thu từ lâu đã được xếp vào nhóm cá biển đặc sản thuộc hàng tứ phẩm “Chim, thu, nhụ, đé”. Có thể dùng cá thu để chế biến ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên với tiết trời độ thu đang se lạnh như hiện nay Vựa hải sản sẽ giới thiệu đến các bạn món lẩu cá thu bao ngon bao hấp dẫn nhé. Vào bếp cùng mình ngay thôi nào!!!
Nguyên liệu cần chuẩn bị dùng làm lẩu cá thu (cho 4 người ăn)
– Cá thu (1kg)
– Cà chua (2 trái)
– Dứa/thơm (1/2 trái)
– Sả, hành tím, tỏi, chanh, ớt
– Mướp (1 quả)
– Nấm bào ngư (300 gram)
– Rau ngò gai (mùi tàu)
– Rau sống dùng nhúng lẩu (cải xanh, cải thảo, rau muống…)
– Bún tươi (1kg)
– Dầu ăn, sa tế, nước mắm, đường phèn, muối.
Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Để có 1 nồi lẩu cá thu thơm ngon việc đầu tiên các bạn cần làm đó là chọn được nguyên liệu tươi và sạch.
1. Đối với cá thu
+ Bạn nên chọn cá thu có mắt hơi lồi, màu trong suốt và có độ đàn hồi nhẹ. Bạn không nên chọn những con cá có mắt đục, hơi lõm vào trong, hốc mắt to vì đó là dấu hiệu cá bị ướp lạnh đã lâu ngày.
+ Phần mang cá có màu hồng đỏ, dính chặt nhau mang không bị nhớt và có mùi hôi.
+ Khi lựa chọn cá thu các bạn chú í quan sát kĩ phần thân cá và bụng cá, cá thu khác với một số loại cá khác là không có vảy. Nên khi chọn các bạn chú ý vào màu sắc da cá. Da cá tươi sẽ có màu bạc óng ánh, vân hoa, ấn vào thân có độ đàn hồi tốt. Còn đối với cá ươn da cá mềm nhũn, không có độ đàn hồi thân cá không được sáng, đặc biệt phần hậu môn sẽ lồi ra bên ngoài.
>>> Địa điểm đáng tin cậy giúp bạn lựa chọn cá thu tươi ngon
2. Đối với dứa (thơm) và cà chua
+ Chọn những trái không quá cứng và quá mềm, trái không bị dập nát có mùi thơm đặc trưng
+ Chọn dứa (thơm) có mắt thưa và lớn, phần ngọn dứa càng tươi xanh thì dứa càng ngon
+ Chọn cà chua có màu đỏ tươi, cuống vẫn còn dính trên phần thân trái cà chua.
Cách nấu lẩu cá thu ngon, đơn giản tại nhà
1. Sơ chế cá thu sạch và không tanh
Món lẩu cá thu sẽ thơm ngon tròn vị hơn khi các bạn cẩn thận ngay từ bước sơ chế cá. Đầu tiên, để khử bớt mùi tanh hôi của cá thu các bạn dùng muối hoặc chanh chà xát lên thân cá sau đó rửa sạch với nước. Tiếp đó chia cá thành từng khoanh dày khoảng 1 đốt ngón tay, riêng với phần đầu cá các bạn loại bỏ mang sau đó bổ đôi.
Cá thu sau khi sơ chế, các bạn để cho ráo nước rồi xếp vào nồi chiên không dầu chiên sơ 2 mặt ở nhiệt độ 200 độ C trong vòng 15 phút. (Nếu nhà bạn không có nồi chiên không dầu các bạn có thể áp chảo để thịt cá rắn lại và có màu vàng tươi đẹp)
2. Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà chua rửa sạch bổ múi cau. Dứa (thơm) gọt vỏ, loại bỏ mắt cắt miếng vừa ăn. Tiếp đó các bạn lột vỏ hành tím và tỏi rồi bằm nhuyễn.
Nấm bào ngư các bạn cắt bỏ gốc và loại bỏ phần bị dập nát, cho nấm vào nước muối pha loãng ngâm tầm 5 – 10 phút rồi vớt ra, rửa sạch lại và để ráo. Mướp gọt vỏ, cắt thành khoanh tròn dày khoảng 1/2 đốt ngón tay.
Rau ngò gai (mùi tàu) và các loại rau nhúng lẩu khác các bạn nhặt sạch loại bỏ lá úa vàng, dập nát sau đó đem rửa sạch để ráo nước. Ngò gai (mùi tàu) đem cắt nhỏ bỏ ra đĩa.
3. Các bước thực hiện để có nồi lẩu cá thu thơm ngon bắt mắt
Món lẩu cá thu ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nồi nước dùng. Do đó các bạn cần thực hiện theo các bước chi tiết dưới đây. (Hạn chế sử dụng các loại gia vị tạo ngọt làm mất đi hương vị đặc trưng của nồi lẩu cá thu)
Bước 1: Bắc nồi lên bếp cho 1 lượng dầu ăn vừa phải vào nồi và bật lửa lớn. Dầu nóng thì cho hành tím và tỏi bằm vào phi thơm
Bước 2: Cho cà chua và dứa (thơm) vào đảo sơ qua sau đó cho đầu cá cùng 1 lít nước vào nồi đun sôi. Nêm thêm 1 thìa cà phê nước mắm cho dậy mùi. Tiếp tục đun sôi nước lẩu trong khoảng 15 phút để cà chua và dứa (thơm) chín mềm, tiết ra vị chua chua và thanh ngọt.
Bước 3: Sau khi nồi nước lẩu cá thu sôi được độ 20 phút các bạn nêm lại nước lẩu với 1 muỗng cà phê sa tế, 1 muỗng canh nước mắm và 3 muỗng cà phê đường phèn. (Các bạn có thể tự chủ động nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình)
Cuối cùng các bạn trút nước lẩu đã nấu sôi vào nồi lẩu thêm sả cắt khúc đã đập dập và rau ngò gai (mùi tàu) lên trên.
4. Hoàn thành món ăn
Đặt nồi lẩu lên bàn ăn, bày các loại rau ăn kèm cùng với bún, cá thu chiên ra đĩa. Bày thêm chén nước chấm hoặc muối chanh để chấm cùng. Nồi lẩu cá thu nóng hổi thơm ngon sôi ùng ục ăn đến đâu các bạn nhúng rau và cá đến đó, hương vị của cá thu và nước lẩu hòa quyện với nhau đảm bảo ai đã từng ăn đều khó quên được hương vị này.
5. Thành phẩm
Nước dùng lẩu cá thu có màu đẹp mắt, vị chua và thanh ngọt của dứa cùng cà chua, kết hợp vị cay cay của sa tế tạo nên vị đậm đà hấp dẫn. Thịt cá thu mềm béo ăn kèm các loại rau, nấm và bún vô cùng xuất sắc.
Tiết trời thu se lạnh như hiện nay mà được quây quần bên gia đình thưởng thức lẩu cá thu tươi ngon đúng điệu như này thì còn gì bằng.
>>> Tham khảo giá cá thu và các loại hải sản khác tại Vựa hải sản
Lưu ý khi ăn lẩu cá thu và các món làm từ cá thu
Lượng dinh dưỡng dồi dào có trong cá thu rất tốt cho cơ thể tuy nhiên cần ăn có điều độ. Một tuần chỉ nên ăn khoảng 2 bữa cá. Mỗi bữa 1- 2 con là đủ. Không nên ăn quá nhiều cá thu vì lượng thủy ngân có trong cá thu rất lớn => dễ dẫn đến ngộ độc thủy ngân.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng cần hạn chế ăn cá thu vì hàm lượng thủy ngân có trong cá có thể làm chậm sự phát triển của thai nhi.
Kết Luận
Lẩu cá thu rất ngon và bổ dưỡng mong rằng với công thức đơn giản và dễ làm mà Vựa hải sản vừa chia sẻ ở trên các bạn có thể dễ dàng thực hiện món ăn này để chiêu đãi cả nhà. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và đọc bài của mình. Chúc các bạn thành công ngay từ lần nấu đâu tiên.